10 biện pháp đảm bảo giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm

time Tuesday, 20/08/2019
user Đăng bởi Ngọc Tạ

Làm tốt công tác chủ nhiệm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giáo dục học sinh - nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi học sinh có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Dưới đây là 10 biện pháp giúp các thầy cô làm tốt công tác chủ nhiệm, mời các thầy cô cùng tham khảo.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp

10 biện pháp đảm bảo giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm là một trong những giáo viên đang giảng dạy ở lớp có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện đứng ra làm chủ nhiệm lớp trong một năm học hoặc trong tất cả các năm tiếp theo của cấp học. Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện nhiệm vụ quản lí lớp học và là nhân vật chủ chốt, là linh hồn của lớp, người tập hợp, dìu dắt giáo dục học sinh phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, công dân tốt và xây dựng một tập thể học sinh vững mạnh. Giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò sau đây:

1. Thay mặt hiệu trưởng quản lí một lớp học

Giáo viên chủ nhiệm lớp do hiệu trưởng phân công và thay mặt hiệu trưởng để quản lí và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở một lớp học.

Vai trò quản lí của giáo viên chủ nhiệm lớp thể hiện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập và tu dưỡng của học sinh trong lớp.

Giáo viên chủ nhiệm phải trả lời các câu hỏi về chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh trong lớp trước hiệu trưởng, trước Hội đồng sư phạm của nhà trường và trước phụ huynh học sinh của lớp khi tổng kết năm học.

2. Người xây dựng tập thể học sinh thành một khối đoàn kết

Giáo viên chủ nhiệm lớp là linh hồn của lớp, bằng các biện pháp tổ chức, giáo dục, bằng sự gương mẫu và quan hệ tình cảm, giáo viên chủ nhiệm xây dựng khối đoàn kết trong tập thể, dìu dắt các em nhỏ như con em mình trưởng thành theo từng năm tháng.

Học sinh kính yêu giáo viên chủ nhiệm như cha mẹ mình, đoàn kết thân ái với bạn bè như anh em ruột thịt, lớp học sẽ trở thành một tập thể vững mạnh. Tình cảm của lớp càng bền chặt, tinh thần trách nhiệm và uy tín của giáo viên chủ nhiệm càng cao thì chất lượng giáo dục càng tốt.

Rất nhiều giáo viên cùng giảng dạy trong một lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc đối với từng học sinh trong suốt cuộc đời họ.

3. Người tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh trong lớp

Vai tò tổ chức của giáo viên chủ nhiệm thể hiện trong việc thành lập bộ máy tự quản của lớp, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, các tổ, nhóm, đồng thời tổ chức thực hiện các mặt hoạt động theo kế hoạch giáo dục được xây dựng hàng năm.

Các hoạt động của lớp được tổ chức đa dạng và toàn diện, giáo viên chủ nhiệm lớp quán xuyến tất cả các hoạt động một cách cụ thể, chặt chẽ.

Các phong trào thi đua học tập đi vào thực chất, các cuộc sinh hoạt các đoàn thể có nội dung hấp dẫn thanh, thiếu niên, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được tiến hành thường xuyên… Chất lượng học tập và tu dưỡng đạo đức của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào trật tự, kỉ luật, vào tinh thần đoàn kết và truyền thống của tập thể lớp cũng như các hoạt động đa dạng của lớp.

4. Cố vấn đắc lực cho các đoàn thể của học sinh trong lớp

Giáo viên chủ nhiệm lớp dù có là đoàn viên, đảng viên hay không cũng cần phải nắm vững điều lệ, tôn chỉ mục đích, nghi thức và nội dung hoạt động của các đoàn thể.

Với tinh thần trách nhiệm, với kinh nghiệm công tác của mình làm tham mưu cho chi Đoàn thanh niên của lớp lập kế hoạch công tác, bầu ra ban lãnh đạo chi đoàn, tổ chức các nội dung hoạt động và phối hợp với ban cán sự lớp để xây dựng tập thể, đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.

5. Giữ vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng giáo dục

Gia đình, nhà trường và xã hội là ba lực lượng giáo dục, trong đó nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên nghiệp, hoạt động có mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở khoa học, do vậy giáo viên chủ nhiệm phải là người chủ đạo trong điều phối các hoạt động giáo dục cùng với các lực lượng giáo dục đó một cách có hiệu quả nhất.

Năng lực, uy tín chuyên môn, kinh nghiệm công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp là điều kiện quan trọng để tập hợp lực lượng, phối hợp thành công các hoạt động giáo dục cho học sinh trong lớp.

10 biện pháp giúp giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm, dạy học hay

1. Tìm hiểu, nắm bắt đối tượng học sinh

Ngay sau khi nhận lớp chủ nhiệm, giáo viên cần tiến hành tìm hiểu, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh lớp chủ nhiệm qua các kênh thông tin khác nhau:

Điều tra qua học bạ năm học trước của học sinh, qua giáo viên chủ nhiệm cũ; lập phiếu điều tra các thông tin cá nhân; tiến hành phân loại học sinh…

Sự phân loại và các thông tin trên là căn cứ để lựa chọn học sinh có năng lực, nhiệt tình vào Ban cán sự lớp, BCH chi đoàn; đồng thời cũng là cơ sở để đưa ra những biện pháp phù hợp trong việc giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm.

2. Hoàn thiện tổ chức lớp

Cơ sở lựa chọn đội ngũ cán sự có thể căn cứ vào hồ sơ học bạ của học sinh, căn cứ vào những thông tin cá nhân của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm đã thu thập được; căn cứ sự tín nhiệm của tập thể lớp; sự nhiệt tình, năng nổ, ý thức tổ chức kỷ luật, tính gương mẫu và các biểu hiện ban đầu của học sinh trong tập thể lớp.

Giáo viên chủ nhiệm cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban cán sự lớp. Giáo viên có thể phân thêm tổ phó, bàn trưởng (có sự thay đổi luân phiên theo từng tháng để phát huy tốt vai trò tự quản của học sinh.

Xây dựng dựng đội ngũ tự quản là nền tảng cho công tác chủ nhiệm và cũng là một việc làm quan trọng và khó khăn đối với giáo viên chủ nhiệm.

Khi đã tìm được đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng học sinh ý thức trách nhiệm cao đối với lớp, phục vụ tập thể lớp, biết phê bình và tự phê bình, phương pháp quản lý lớp.

Mỗi tháng họp một lần để tổng kết rút kinh nghiệm, giao kế hoạch nhiệm vụ tháng tới, mua sổ theo dõi. Mỗi tuần giao ban một lần vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ thứ 6 để thứ 7 có số liệu sinh hoạt và khen, chê kịp thời.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý chọn đúng nguồn, tránh việc thay cán bộ lớp, không phó mặc việc lớp cho đội ngũ cán bộ lớp.

3. Lập sơ đồ tổ chức lớp học

Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, giáo viên không nên quá áp đặt và cũng không đưa ra tiêu trí xếp nam, nữ ngồi cạnh nhau. Có thể dựa trên các cơ sở: Tình trạng sức khỏe của học sinh; học lực và căn cứ vào nhiệm vụ của ban cán sự lớp.

Lưu ý: Học sinh cần ngồi đúng theo sơ đồ lớp học dưới sự giám sát của giáo viên bộ môn trong các tiết học, của bàn trưởng, tổ trưởng…

Giáo viên cần có sự điều chỉnh chồ ngồi của học sinh kịp thời nếu thấy sự bất hợp lí theo phản ánh của chính bản thân học sinh, cán sự lớp, giáo viên bộ môn,…. ví dụ mất trật tự, không chú ý, nhận thức chậm.

4. Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể

Căn cứ vào đặc điểm tình hình lớp, mỗi năm học, giáo viên nên lập tiêu trí thi đua, mục tiêu cụ thể, các giải pháp thực hiện rồi công bố trước lớp được tập thể học sinh nhất trí tại cuộc họp Chi đoàn, thông qua và xin ý kiến phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh đầu năm. Sau đó thống nhất, đưa ra cho tập thể lớp thực hiện, lấy đó làm cơ sở để xếp loại thi đua.

Có sự điều chỉnh và thay đổi, bổ sung kịp thời tùy theo tình hình thực hiện nội quy, nề nếp và ý thức rèn luyện của học sinh.

Đề ra định mức khen thưởng và kỉ luật kịp thời thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm,...

5. Giáo dục đạo đức học sinh qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Giờ sinh hoạt có thể theo tiến trình: Nhận xét, đánh giá (từ 15 đến 20 phút); sinh hoạt tập thể (từ 25 đến 30 phút) với các hoạt động vui học, rèn kỹ năng sống để học sinh có cơ hội được thể hiện mình. Cuối một học kì và cuối mỗi năm học, giáo viên có thể cho học sinh tự bộc bạch về ước mơ, hoài bão của bản thân, những vướng mắc gặp phải, những mong muốn, đề xuất (nếu có)...

Trong sinh hoạt 15 phút đầu giờ, giáo viên lên kế hoach cụ thể cho từng buổi và phân công cho từng cá nhân phụ trách. Trong tuần, ngoài nội dung bắt buộc theo quy định của Đoàn trường, giáo viên có thể dành hai buổi để học sinh trao đổi ước mơ, hoài bão, định hướng nghề nghiệp, hoặc tìm hiểu về gương người tốt, việc tốt nhất là các tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập...

6. Học sinh rèn ý thức tự giáo dục bằng sổ tự cập nhật

Cùng với việc thực hiện, phát huy tác dụng của sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép của lớp trưởng, lớp phó, cán sự bộ môn, tổ trưởng, nhiều giáo viên chủ nhiệm công phu sáng tạo, biến quá trình quản lý, giáo dục thành quá trình tự giáo dục của trò bằng một loại sổ thật đơn giản, nhưng thật ý nghĩa.

Các cô giáo nên lập một quyển sổ với tên “nhật kí học tập” và treo vào vị trí trang trọng trong lớp. Ở sổ này, sau mỗi buổi học, học sinh có thành tích tốt và bị phê bình, nhắc nhở tự ghi nhật ký, có chữ ký xác nhận của tổ trưởng.

Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm tổng kết nhận xét, đánh giá, khen thưởng và phê bình, nhắc nhở kịp thời.

7. Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn

Nội dung phối hợp: Để dạy học có hiệu quả; để theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học tập của tập thể và cá nhân; giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tập hợp ý kiến của đồng nghiệp về lớp mình, lớp bạn; trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp về những vấn đề cụ thể của lớp để cùng đưa ra giải pháp giáo dục thống nhất; đề xuất các ý kiến của tập thể học sinh về công tác dạy và học với giáo viên có liên quan...

8. Kết hợp với Chi hội cha mẹ học sinh, gia đình học sinh

Khi làm công tác chủ nhiệm, giáo viên cần: Tổ chức và thực hiện tốt các kỳ họp phụ huynh học sinh do nhà trường đề ra.

Đi thăm trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết.

Mời phụ huynh học sinh đến trường trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có những hiện tượng bất thường và khẩn cấp.

Liên hệ thường xuyên với Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh để tích cực hóa các hoạt động của hội phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục.

Mỗi chủ điểm sinh hoạt trọng tâm mời Chi hội trưởng Hội phụ huynh học sinh dự buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ liên lạc và qua điện thoại.

Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết.

9. Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể

Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được kế hoạch của nhà trường, Đoàn thanh niên để phối hợp và phổ biến kịp thời đến học sinh.

Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em tham gia tốt các hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua do đoàn thể phát động.

Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em thực hiện tốt các các nội quy, quy định mà ban nề nếp của trường đề ra.

10. Giáo dục học sinh cá biệt

Giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu lý lịch, tính cách học sinh, tìm hiểu điểm yếu, thế mạnh của những học sinh này. Kết hợp với giáo viên bộ môn, nhà trường, gia đình trong hoạt động giáo dục.

Giáo viên không nên nóng vội mà phải kiên trì uốn nắn dần; giao cho học sinh cá biệt một số việc phù hợp với năng lực; sau đó động viên khuyến khích kịp thời những việc làm tốt.

Lập kế hoạch cho cán sự lớp để thành lập các cặp đôi bạn cùng tiến. Luôn thông báo kịp thời các thông tin về học sinh với gia đình và ngược lại.

Phải gần gũi, thân thiện, biết lắng nghe để học sinh cá biệt giải bày được tâm tư, khúc mắc để cùng giáo viên bộ môn và gia đình phối hợp giáo dục.

Nguồn: VNdoc

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: